Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân

(Bqp.vn) – Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo ý định chiến lược thống nhất, bảo đảm đối phó thắng lợi mọi âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia – dân tộc, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân bao gồm những nội dung cơ bản sau:

Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc

Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp quốc phòng Việt Nam, nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng và cả hệ thống chính trị.

Nền quốc phòng toàn dân được xây dựng trên nền tảng “thế trận lòng dân”, biểu hiện ở lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sự đồng thuận, tin tưởng tuyệt đối của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, vào khả năng và sức mạnh tổng hợp của đất nước, sức mạnh vô địch của Nhân dân và của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; động viên toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng, an ninh nhân dân; nêu cao tinh thần đấu tranh tự bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc và hướng tới mục tiêu xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong xây dựng “thế trận lòng dân”, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, giúp Nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là ở các địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh; giữ vững bản chất, truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường mối quan hệ mật thiết quân – dân, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng, an ninh

Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng, an ninh là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng, an ninh với các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội dưới sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh theo các quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, các vùng, địa bàn chiến lược và từng địa phương, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Quy hoạch các vùng dân cư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường tiềm lực, lực lượng và thế trận quốc phòng; xây dựng chính sách, kế hoạch bồi dưỡng nguồn nhân lực bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng thời bình và thời chiến; bảo đảm ngân sách để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Xây dựng các khu kinh tế – quốc phòng, quốc phòng – kinh tế ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Triển khai đề án xây dựng chuỗi đảo gần bờ thành các trung tâm kinh tế, khoa học – công nghệ, quốc phòng theo mô hình đa năng, tự chủ một phần về kinh tế, kết hợp hoạt động kinh tế với quốc phòng trên biển, nhất là vùng biển, đảo xa bờ. Tiếp tục đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới, đồng thời phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh.

Các doanh nghiệp phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của đất nước phù hợp với nhiệm vụ quốc phòng, không hoạt động kinh tế đơn thuần; tuân thủ quy định của pháp luật; luôn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, góp phần tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ các cơ sở công nghiệp quốc phòng với các cơ sở công nghiệp dân sinh phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ phải tuân thủ yêu cầu kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, sẵn sàng huy động, động viên để sản xuất bảo đảm cho nhu cầu quốc phòng khi cần thiết.

Xây dựng quân khu vững mạnh toàn diện, hợp thành hệ thống phòng thủ đất nước

Phòng thủ quân khu là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước, bao gồm các hoạt động xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn quân khu.

Xây dựng đồng bộ các kế hoạch, tổ chức chuẩn bị và thực hiện phòng thủ quân khu trong thời bình và thời chiến; cơ quan, đơn vị của quân khu vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao; Dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn quân khu. Xây dựng các khu vực phòng thủ thành thế trận liên hoàn, vững chắc toàn diện; nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn quân khu. Kết hợp kinh tế – xã hội với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế – xã hội, quốc phòng với an ninh, đối ngoại; xây dựng, quản lý các khu kinh tế – quốc phòng thuộc quân khu; thực hiện giáo dục quốc phòng, an ninh, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quốc phòng; thực hiện động viên quốc phòng, chính sách hậu phương Quân đội và chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn quân khu.

Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị của quân khu, phối hợp với đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan để thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển, vùng trời nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn quân khu; thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương liên quan chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị của quân khu tham gia xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện phòng thủ dân sự và các biện pháp phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn quân khu.

Xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc

Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố toàn diện cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận trên các mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, an ninh; thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, bảo vệ địa phương, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho địa phương khác. Tổ chức phòng thủ dân sự và chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng ứng phó với tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh, xung đột và chiến tranh, tổng động viên, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và phục vụ chiến đấu lâu dài của địa phương; sẵn sàng vũ trang toàn dân.

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân

Xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững mạnh toàn diện, phát huy cao nhất thế mạnh của Quân đội và Công an trong vai trò là lực lượng nòng cốt của sức mạnh tổng hợp quốc gia. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó Quân đội và Công an là nòng cốt. Kết hợp chặt chẽ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân trong tổng thể nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vũ khí cho quốc phòng, an ninh.

Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng