1- Công nghiệp là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, là lĩnh vực sản xuất vật chất, chế tạo, chế biến ra sản phẩm phục vụ cho sản xuất hoặc tiêu dùng xã hội. Công nghiệp là lĩnh vực sản xuất có quy mô lớn, sử dụng máy móc, thiết bị được hỗ trợ, thúc đẩy bởi tiến bộ khoa học – công nghệ. Hoạt động công nghiệp hết sức đa dạng, tạo nên các ngành (hay phân ngành) công nghiệp khác nhau. Có nhiều cách phân loại công nghiệp, phổ biến nhất là dựa theo sản phẩm để phân loại thành các ngành, nghề khác nhau, như công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp năng lượng, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hóa chất, công nghiệp thông tin, viễn thông, công nghiệp dệt may(1). Đây là những bộ phận cấu thành, tạo nên cơ cấu công nghiệp của một quốc gia. Cơ cấu này thể hiện trạng thái, trình độ phát triển của một nền công nghiệp.
Khi công nghiệp phát triển, không chỉ quy mô của các ngành công nghiệp tăng lên mà cơ cấu công nghiệp cũng thay đổi. Một số ngành phát triển nhanh hơn, một số ngành phát triển chậm hơn, thậm chí, có ngành bị thu hẹp, làm thay đổi năng lực, hiệu quả, sức cạnh tranh của công nghiệp đất nước theo hướng tốt hơn, tích cực hơn hoặc xấu hơn, tiêu cực hơn. Trong nền kinh tế thị trường, những thay đổi trong cơ cấu công nghiệp diễn ra một cách thường xuyên, tự phát theo kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Song, nhà nước có vai trò rất quan trọng. Bằng pháp luật, cơ chế, chính sách và các nguồn lực kinh tế của mình, nhà nước có thể tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, hoạt động công nghiệp, định hướng cho chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo chiến lược, mục tiêu phát triển đất nước của mình.
Ở nước ta, trong một thời gian dài, kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng, tạo ra cơ cấu kinh tế tương ứng, mô hình phát triển và cơ cấu kinh tế này ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế; do đó, cùng với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, việc cơ cấu lại sản xuất công nghiệp trở thành chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước ta, được đưa ra từ Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011) đến nay.
Xem thêm : 100+ Các kí hiệu bản vẽ và cách đọc bản vẽ xây dựng nhà ở
Đại hội XI của Đảng xác định: “Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp cả về ngành kinh tế – kỹ thuật, vùng và giá trị mới… Phát triển có chọn lọc công nghiệp chế biến, chế tác, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, công nghiệp quốc phòng. Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp dược,… Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ. Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và vật liệu mới… Từng bước phát triển công nghiệp sinh học và công nghiệp môi trường. Tiếp tục phát triển phù hợp các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động”(2). Đại hội XII của Đảng tiếp tục xác định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ; có tỉ trọng giá trị quốc gia và giá trị gia tăng cao; có lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu… Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế. Phát triển công nghiệp năng lượng, luyện kim, hóa dầu, hóa chất với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường… Khuyến khích phát triển doanh nghiệp cơ khí chế tạo mạnh và sản phẩm cơ khí trọng điểm. Có chính sách phát triển công nghiệp điện tử… Ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất vật tư, máy móc nông nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ,… hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ theo cụm liên kết ngành. Hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió, mặt trời”(3). Trên cơ sở đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về cơ cấu lại ngành công nghiệp(4).
Sau 10 năm thực hiện, việc cơ cấu lại ngành công nghiệp đã đạt được một số kết quả tích cực. Tỷ trọng đóng góp của công nghiệp khai thác khoáng sản vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm xuống, từ 9,1% năm 2010 và 8,1% năm 2016 giảm xuống còn 5,35% năm 2020. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 13% GDP (năm 2010) lên 16,7% GDP (năm 2020), trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành, với sự hình thành và phát triển của một số tập đoàn công nghiệp chế biến, chế tạo lớn, như Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hoa Sen, Hòa Phát, Thép Nam Kim, Sữa Vinamilk,…. Công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin phát triển nhanh, Việt Nam trở thành một trung tâm lớn sản xuất, xuất khẩu các thiết bị, sản phẩm, linh kiện điện tử của thế giới. Năng lượng tái tạo được chú trọng phát triển, có bước tiến lớn. Năm 2020, công suất các nguồn năng lượng tái tạo đạt hơn 6.000MW (trong đó, điện mặt trời khoảng 5.290MW, điện gió 500MW, điện sinh khối 325MW), chiếm gần 10% tổng công suất của hệ thống điện. Chương trình phát triển lưới điện thông minh được triển khai rộng rãi, giúp nâng cao chất lượng, độ tin cậy trong cung ứng điện và giảm tỷ lệ thất thoát, tổn thất điện năng trong truyền tải, phân phối điện. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến từng bước tăng lên, đến năm 2020 đã chiếm hơn 85% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu; trong đó, sản phẩm công nghệ cao chiếm gần 50%,…
Nguồn: https://firsthomepremium.vn
Danh mục: Thông tin