Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam là gì? Chức năng và phạm vi hoạt động

Hiệp hôi tư vấn Xây dựng Việt Nam có tên Tiếng anh là “Vietnam Engineering Consultant Acssosiation – VECAS”, là tổ chức xã hội- nghề nghiệp được tự nguyện thành lập trên cơ sở chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Sự ra đời của tổ chức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực tư vấn xây dựng, được pháp luật trao quyền và buộc phải thực hiện các nhiệm vụ nhất định. Bởi là một tổ chức độc lập, Hiệp hội tư vấn Xây dựng Việt Nam có điều lệ riêng và đây cũng là văn bản chứa đựng các vấn đề cơ bản nhất về Hiệp hội.

Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568

Căn cứ:

Điều lệ Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) (kèm Quyết định số 334/QĐ-BNV ngày 06/5/2015 về việc phê duyệt Điều lệ Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

1. Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam là gì?

Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam chính thức được thành lập ngày 13 tháng 12 năm 1995 tại Quyết định số 1098/QĐ-TCLD ngày của Bộ trưởng Bộ Xây dựng theo sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức, công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn xây dựng theo quy định của pháp luật Việt Nam tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Định nghĩa này được ghi nhận tại Điều 2 Điều lệ của Hiệp hội với tư cách là tôn chỉ, mục đích thành lập Hiệp hội tư vấn Xây dựng Việt Nam.

2. Chức năng của Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam:

Chức năng của Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam không được ghi nhận trong Điều lệ của Hiệp hội, tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước trong đó có ngành xây dựng, sự ra đời của Hiệp hội tư vấn chắc chắn phải đóng vai trò cực kỳ quan trọng, điều đó được thể hiện qua mục đích và hoạt động của Hiệp hội tư vấn Xây dựng, cụ thể:

Trước hết, Hiệp hội có chức năng tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.( Điều 2, Điều lệ). Đây vừa là mục đích, vừa là chức năng cơ bản của Hiệp hội tư vấn, thông qua chức năng này, các hoạt động liên quan đến lĩnh vực tư vấn xây dựng được bảo đảm hơn, hiệu quả hơn, Hiệp hội ngày càng vững chắc về tổ chức, đảm bảo đủ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật trao cho.

Thứ hai, Hiệp hội tư vấn Xây dựng thực hiện chức năng hoạt động trong lĩnh vực tư vấn xây dựng theo quy định của pháp luật. Lĩnh vực tư vấn xây dựng khá đang dạng, vừa có tư vấn mang tính chiến lược, vừa có tư vấn mang tính chiến thuật, có tư vấn đảm bảo chất lượng và tư vấn chuyên môn, có tư vấn quản lý chi phí (kỹ sư định giá); tư vấn thiết kế kiến trúc chuyên ngành,…Kỹ sư tư vấn phải có trình độ chuyên môn (đảm bảo theo quy định về bằng cấp, chứng chỉ, kinh nghiệm), có kỹ năng tư vấn, làm thế nào với tư cách là một Hiệp hội vững mạnh, Hiệp hội tư vấn xây dựng phải đảm bảo được chất lượng tư vấn, uy tín của tổ chức.

Thứ ba, Hiệp hội tư vấn Xây dựng thực hiện chức năng phổ biến, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho hội viên, tổ chức các dịch vụ theo quy định của pháp luật và được cấp chứng chỉ hành nghề khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Đây vừa là chức năng vừa là nhiệm vụ của hiệp hội, chức năng này chủ yếu phục vụ cho Hiệp hội, bởi suy cho cùng việc đào tạo, bồi dưỡng cho hiệp hội bên cạnh tạo ra các giá trị ứng dụng cho hội viên thì quy ngược lại hội viên cũng nâng cao uy tín và hỗ trợ hiệp hội thực hiện các chức năng khác. Việc phổ biến, đào tạo, bồi dưỡng có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, thời gian thực hiện khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như địa điểm, nguồn tài chính tổ chức kế hoạch đào tạo.

– Thứ tư, Hiệp hội tư vấn Xây dựng có chức năng tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ về các lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội; tổ chức dạy nghề, truyền nghề theo quy định của pháp luật.

Chức năng này được ghi nhận dựa trên quyền hạn của Hiệp hội Tư vấn tại Điều 6, Điều lệ, chức năng này không diễn ra thường xuyên mà chỉ thực hiện khi có đề nghị của cơ quan nhà nước và việc thực hiện cũng giới hạn trong quy định của pháp luật. Đây là chức năng khá hợp lý, phù hợp với chuyên môn mà Hiệp hội có được, hơn nữa là cách để nhà nước huy động nguồn hỗ trợ, phản biện từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội để thực hiện các chương trình, dự án có tác động tới sự phát triển của đất nước.

Thứ năm, Hiệp hội Tư vấn xây dựng thực hiện chức năng đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hiệp hội theo quy định của pháp luật. Đây là chức năng quan trọng, nhờ chức năng đại diện, Hiệp hội nói lên được tiếng nói của hội viên trong quá trình thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ. Chức năng này cho phép Hiệp hội được hoạt động một cách độc lập, tham gia vào các quan hệ xã hội và hiệp hội phải có giải trình cụ thể trước hội viên thông qua các cuộc họp.

Chức năng của Hiệp hội tư vấn xây dựng Việt Nam sẽ vẫn được tiếp tục phát huy trong tương lai và yêu cầu về cải cách bộ máy, thủ tục hành chính sẽ được đặt ra với hiệp hội nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức được dễ dàng tiếp cận với hiệp hội hơn.